Gò Công ngày cũ
ÔI MỘT TRANG SỬ !
Nhân đọc bài thơ về ĐẤT PHƯỢNG HOÀNG của Trần Đỗ Liêm ở trên, tôi chợt nhớ có một sự sai lầm trong sử liệu khi viết về khoa bảng của ông Phạm Đăng Hưng rằng ông đỗ Tú Tài khoa thi Hương khoa Bính Thìn 1784 (?).
Thoạt tiên là sai trên sách Gò Công Xưa và Nay cua tác giả Huỳnh Minh, rồi nhiều người viết về Phạm Đăng Hưng dùng tài liệu nầy, vô tình sai mà không nhận thấy.
Xin đọc phần trích một đoạn trong Chương: “Gò Công – Văn hóa Giáo dục thời mở cỏi” và thêm phần ghi chú của tôi dưới đây:

CÁC KỲ THI ƯU KHOA 1791 VÀ 1796 TẠI NAM KỲ
GÒ CÔNG CÓ 3 VỊ ĐẬU HẠNG ƯU

“Đồng thời, sau khi củng cố quyền bính ở Gia Định từ năm 1788, Nguyễn vương muốn có người khoa bảng phục vụ chế độ, nên tổ chức lần lượt hai khoa thi Tân Hợi 1791 và khoa thi Bính Thìn 1796 tại Gia Định. Đây là hai khoa thi đầu tiên của miền Nam bộ mở cỏi, nhằm lấy người đỗ hạng Ưu để bổ làm Nho học Huấn đạo phủ lễ sinh và người đỗ hạng Thứ được gọi là Nhiêu học (chỉ ở miền Nam ở hai khoa thi 1791 và 1796 mới có lấy đỗ Nhiêu học, người đậu hạng nầy gọi là ông Nhiêu như Nhiêu Lộc có tên con kinh trong TP HCM) để tuỳ việc phân bổ phục vụ việc hàn lâm. Người thủ khoa của những người đỗ ưu khoa Tân Hợi đầu tiên nầy là Ngô Tùng Châu học trò suất sắc của “Sùng Đức Tiên sinh” Võ Trường Toản. Thêm người đỗ hạng Ưu cùng khoa Tân Hợi 1791 cũng là người Gò Công, cũng là vị mưu sĩ của đạo quân Kiến Hòa của Võ Tánh là Nguyễn Hoài Quỳnh học trò giỏi của “Kiến Hòa Tiên sinh” Phạm Đăng Long mở trường dạy tại Thôn Tân Niên Đông, Huyện Kiến Hòa (tức Gò Công cũ).

Ngô Tùng Châu sau khi đỗ Thủ khoa được thăng Lễ bộ và được chọn làm thầy dạy Đông cung Nguyễn Phước Cảnh, cùng với Giám mục Bá Đa Lộc, Pigneau de Béhaine. Đây là công việc rất khó khăn và tế nhị, song Ngô Tùng Châu đã khéo léo vượt qua và với “sự học hành thuần chánh”, Ngô Tùng Châu hết lòng can răn, khiến Đông cung Cảnh nể trọng lắm. Sử sách đều đồng ý, Ngô Tùng Châu là tay văn học kiệt xuất, học trò giỏi nhất của Võ Trường Toản và ghi thêm là nhà giáo lớn ở Nam Bộ hồi nửa sau thế kỷ thứ 18.

Sau nầy, sự nghiệp của ông Ngô gắn chặt với ông Võ Tánh giữ thành Bình Định từ năm 1799 đến 1801; người uống thuốc độc, người ung dung nhìn ngọn lửa bừng lên, đều rạng tấm lòng son. Hơn hai trăm năm qua mà tấm can trường của hai người, dân Gò Công mãi nhớ, trong các đình làng, bài vị hai người được thờ, trong cúng tế, tước vị phong Thần của hai người được xưng tụng.

Nguyễn Hoài Quỳnh là học trò của Phạm Đăng Long, trước khi dự thi ưu khoa từng theo Võ Tánh lập đạo quân Kiến Hòa và theo Đạo quân nầy giữ thành Bình Định. Trốn thoát sau khi thành Bình Định thất thủ năm 1801, ông làm quan cho triều Nguyễn từng giữ tới chức Tả Tham tri bộ Hình kiêm lãnh Hình tào Bắc Thành.

Người thứ ba ở Gò Công, đỗ Ưu khoa Bính Thìn 1796 (*) là Phạm Đăng Hưng, con và học trò của Kiến Hoà Tiên sinh Phạm Đăng Long. Ông Phạm Đăng Hưng sau nầy hoạn lộ hanh thông làm tới chức Lễ bộ Thương thư triều vua Gia Long và Minh Mạng. Điều may mắn là ông sanh được một gái út Phạm Thị Hằng, sau làm bà Hoàng đức hạnh, làm rạng rở miền “Đất lành” nầy. Đó là Đức Thái Hoàng Thái Hậu Từ Dũ.

PHẦN GHI CHÚ (*) :

Tác giả Huỳnh Minh trong “Gò Công Xưa và Nay” ghi: Ông Phạm Đăng Hưng thi đỗ Tam Trường (Tú Tài) khoa thi hương năm Bính Thìn 1784, nhầm lẫn hai điểm :

Thứ nhứt Bính Thìn là năm 1796, còn năm 1784 là năm Giáp Thìn. Lại nữa năm 1784 là năm Chúa Nguyễn bị Tây Sơn đánh tan tác. Tây Sơn Nguyễn Huệ vào Nam cuối năm 1784 để đầu năm 1785 phá tan quân Xiêm ở Rạch Gầm Định Tường. Tình hình miền Nam có ổn định ở đâu mà Chúa Nguyễn hay Tây Sơn Nguyễn Lữ đóng ở Gia Định tổ chức khoa thi. Cái lầm nầy bây giờ ai viết về ông Phạm Đăng Hưng đều viết ông đậu năm Bính Thìn 1784 cả.

Cái lầm thứ hai, đã không có thi Hương thì làm gì có “Tam Trường” là Tú Tài.
Theo Quốc Triều Chánh Biên xác nhận ông Phạm Đăng Hưng đậu kỳ thi Ưu khoa thứ nhì năm Bính Thìn 1796. Ưu khoa tương đương Hương khoa sau nầy và người đậu ưu tương đương “Cử nhân” Hương khoa. Vì ai cũng biết từ năm 1788 Chúa Nguyễn mới chiếm lại trọn vẹn miền Gia Định, chúa mới tổ chức được 2 khoa thi 1791 và 1796 như trên. Vã lại nếu ông Phạm Đăng Hưng đậu có Tú Tài mà làm quan tới Lễ Bộ Thượng Thư. Được à? Nên nhớ ông là Lễ Bộ Thượng Thư trước khi con gái ông là Bà Phạm Thị Hằng nhập cung năm 1824 cùng năm ông mất, để sau thành Đức Bà Từ Dũ.

Xin tôn trọng người xưa và nên biết “Sử” mà tránh ghi cái sai của người viết trước!

CÁC KỲ THI ƯU KHOA 1791 VÀ 1796 TẠI NAM KỲ

GÒ CÔNG CÓ 3 VỊ ĐẬU HẠNG ƯU

Từ năm 1788, Nguyễn vương muốn có người khoa bảng phục vụ chế độ, nên tổ chức lần lượt hai khoa thi Tân Hợi 1791 và khoa thi Bính Thìn 1796 tại Gia Định nhằm lấy người đỗ hạng Ưu để bổ làm Nho học Huấn đạo phủ lễ sinh

1. Ngô Tùng Châu học trò suất sắc của “Sùng Đức Tiên sinh” Võ Trường Toản.
2. Nguyễn Hoài Quỳnh học trò giỏi của “Kiến Hòa Tiên sinh” Phạm Đăng Long
3. Phạm Đăng Hưng, con và học trò của Kiến Hoà Tiên sinh Phạm Đăng Long

Tôi viết lại đoạn nầy để kính tặng thầy Phạm Đăng Phùng, thầy cũ của anh Hoàng Ngọc Hùng, hiện ở Đà Lạt, trực hệ của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng – Gò Công

Phan Thanh Sắc
Labels: edit post
2 Responses
  1. Hoàng Ngọc Hùng quý mên cảm ơn thầy Phan Thanh Sắc
    Cảm ơn http://ducquoccong.blogspot.com/


  2. Chúng tôi là người Gò Công và tôi đang nghiên cứu một người tên là PHẠM ĐĂNG NGÃI ở làng Yên Luông Đông, tổng Hòa Đông Hạ, tỉnh Gò Công. Nhưng tôi chưa xác thực đây có phải là dòng họ Phạm Đăng, nay kính mong quí vị hỗ trợ chúng. Trân trọng cám ơn ( Lưu Tấn Tài - xã Long Chánh, TX Gò Công).


Post a Comment